Học sinh thường đã chả thèm vào sư phạm, sao mơ đến học sinh giỏi!
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra có nội dung, bắt đầu từ năm 2018, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên như sau:
Đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên. Nhìn vào những tiêu chí này, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) băn khoăn:
Học sinh thường đã chả thèm vào sư phạm, sao mơ đến học sinh giỏi!
Mấy năm gần đầy đặc biệt là trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, nhiều trường sư phạm rất khó tuyển sinh thậm chí không tuyển sinh được. Giờ lại nâng chuẩn đầu vào thì các trường sẽ tuyển sinh thế nào? Hiện đã không “hút” được học sinh có học lực Khá chứ đừng nói đến học sinh giỏi. Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho biết thêm, theo mô hình Liên Xô nên trước thời đổi mới giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục đại học nước ta không có loại trường đa lĩnh vực.
Theo kinh nghiệm của các hệ thống giáo dục đại học phương Tây, mô hình trường đại học có hiệu quả nhất chính là mô hình đại học đa lĩnh vực (university), vì 2 lý do cơ bản sau đây: Một là, các đại học đa lĩnh vực sẽ đào tạo sinh viên tốt ở phần giáo dục đại cương, phần rất quan trọng của kiến thức đại học, vì chỉ ở các trường đó mới có đội ngũ giáo sư có trình độ cao để giảng dạy mảng kiến thức này. Hai là, đại học đa lĩnh vực có ưu thế về nghiên cứu, vì ngày nay các đề tài nghiên cứu lớn đều là các đề tài có tính liên ngành.
Vì ưu thế của mô hình đại học đa lĩnh vực nên các đại học trọng điểm của đất nước được xây dựng theo mô hình đa lĩnh vực: hai đại học quốc gia và các đại học vùng. Và trong thập niên đầu tiên của quá trình đổi mới giáo dục đại học (1987-1997), khi đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặt vấn đề đổi mới hệ thống đào tạo giáo viên, khắc phục xu hướng đào tạo giáo viên bằng một hệ thống sư phạm khép kín.
Ý tưởng đào tạo giáo viên theo mô hình nối tiếp trong các đại học đa lĩnh vực được nêu ra: hai năm đầu sinh viên sư phạm được học chương trình khoa học cơ bản chuyên sâu chung với sinh viên khoa học, hai năm sau mới được đào tạo về sư phạm.
“Giáo viên đào tạo theo mô hình này sẽ vững về chuyên môn hơn nên sẽ phát triển tốt hơn trong quá trình giảng dạy về sau”, ông Thiệp nhấn mạnh. Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho biết, việc thay đổi hệ thống đào tạo giáo viên lúc đó được tóm tắt trong phương châm: “Các trường sư phạm không chỉ đào tạo giáo viên, và giáo viên không chỉ được đào tạo ở các trường sư phạm”.
Tuy nhiên ý tưởng về đào tạo giáo viên trong các đại học đa lĩnh vực bị phản đối rất nhiều bởi những người đã quen với mô hình đại học chuyên ngành theo kiểu Liên Xô. Vào những năm sau đó chỉ một số trường đại học sư phạm chuyển thành đại học đa lĩnh vực (Đại học Vinh, Đại học Quy Nhơn, Đại học Hải Phòng), còn các trường sư phạm lớn khác vẫn giữ mô hình đại học sư phạm đơn lĩnh vực khép kín.
Lúc này, ông Thiệp phân tích thêm, khi là các trường đại học đơn ngành nếu không tuyển sinh được thì cơ sở giáo dục đó sẽ “chết” nhưng nếu là trường đại học đa lĩnh vực thì ngành này không tuyển sinh được thì vẫn còn ngành khác tuyển sinh được. Và mô hình này cũng giúp nhà trường dễ thích nghi hơn khi nhu cầu về giáo viên thay đổi.