Với góc nhìn, trải nghiệm của một thầy giáo có 22 năm dạy học, quản lý giáo dục ở bậc học trung học phổ thông, từng kinh qua nhiều cuộc “bể dâu” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc xét và thi tuyển sinh vào lớp 10 lâu nay, tôi xin có mấy ý kiến muốn trao đổi lại cùng tác giả Đăng Bình.
Theo đó, căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, từng khu vực mà Sở Giáo dục và Đào tạo hàng năm quyết định lựa chọn hình thức tuyển sinh trung học phổ thông với 3 phương thức: 1. Xét tuyển; 2. Thi tuyển; 3. Kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Chọn phương thức xét tuyển thi bằng cách quy ra điểm, điểm được tính theo kết quả rèn luyện và học tập, điểm cộng thêm (trong 4 năm học trung học cơ sở) điểm xét tuyển. Nếu chọn phương thức thi tuyển thì môn thi, thời gian làm bài thi, điểm bài thi, hệ số điểm bài thi, điểm cộng thêm và điểm xét tuyển được hướng dẫn khá rõ ràng, đầy đủ trong Quyết định trên.
Lâu nay, đối với các huyện thuộc miền núi, hải đảo, số lượng học sinh đăng ký vào lớp 10 thấp hơn hoặc bằng với chỉ tiêu của tỉnh giao thì các trường trung học phổ thông ở đó sẽ thực hiện phương thức xét tuyển.
Còn đối với các huyện, thành phố, nơi có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 10 lớn hơn hoặc bằng tỉ lệ so với chỉ tiêu của cấp trên giao thì Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông thuộc khu vực trên mới tổ chức thực hiện phương án Thi tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Có nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi thời gian trước đây từng chọn phương thức xét tuyển. Cái được của phương thức này là học sinh lớp 9 lên lớp 10 không bị áp lực, vất vả với việc học, ôn tập, thi các môn: Ngữ văn, Toán, môn thi thứ ba (nếu chọn thêm).
Chuyện dạy học thêm, ôn luyện ở lớp 9 cũng giảm bớt đi phần nào và đỡ chi phí, tốn kém về tiền bạc, kinh phí cho công đoạn tổ chức thi, chấm thi… Thế nhưng, phương thức này không được các địa phương duy trì dài lâu mà đành phải chuyển sang phương thức thứ 2 là thi tuyển.
Vì sao vậy?
Nguyên nhân chính là nhiều trường trung học cơ sở đánh giá không chính xác, khách quan, công bằng, đồng bộ kết quả hạnh kiểm và học lực của học sinh.
Năm đầu tiên thì nghiêm túc, chặt chẽ đến năm thứ hai, thứ ba trở đi, các nhà trường, thầy cô giáo có tư tưởng, tâm lý “thương” học sinh của mình và đã thi nhau cho điểm khá, giỏi để học sinh của lớp, trường mình không bị thua thiệt so với các em trường khác.
Bệnh thành tích và “thương” học trò của cấp trung học cơ sở nó hiển hiện một cách sâu đậm ở kết quả học lực, hạnh kiểm 4 năm và nhất là năm lớp 9. Chúng tôi dạy ở bậc trung học phổ thông, sau vài tháng hay một học kỳ nhận ra hàng loạt em học sinh lớp 10 học rất yếu, rất tệ.
Chúng tôi thường nói vui với các đồng nghiệp, học sinh diện ấy là “đỗ oan” (song bảng điểm cấp trung học cơ sở lại vô cùng đẹp, toàn khá, giỏi, điểm cao chót vót). Học sinh giỏi đông như quân Nguyên đến độ có năm trường điểm phải mở thêm lớp mới nhận đủ số học sinh này.